LỜI HIỆU TRIỆU 
BÌNH LUẬN - THỜI SỰ
CÁC ĐỊA CHỈ YAHOO TỪ QUÊ HƯƠNG 
CẦN THÔNG TIN TỰ DO
PHỎNG VẤN 
TUỔI TRẺ TRONG NƯỚC
NHỮNG HÌNH ẢNH
KHÔNG PHAI MỜ
VIỆT NAM INTERNET 
TỰ DO DÂN CHỦ 
THANH NIÊN ĐOÀN
BẮC BỘ PHỦ BÁT BỘ
CÁC BÀI VIẾT 
TỪ 4 PHƯƠNG
Ý KIẾN BỐN PHƯƠNG
Liên Lạc:
<scvietnam@yahoo.com>
<clb_svvn@yahoo.com>
Hỗ Trợ Kỹ Thuật:
Nguyệt San Việt Nam
Nối Kết:
Tổng Vụ Hoằng Pháp
Tôn Giáo Ðấu Tranh
Hận Nam Quan
Mạng Lưới TT Lên Ðường
Thơ của các Tù Nhân Chính Trị
Ðàn Chim Việt
Đại Việt Quốc Dân Đảng
Vietnamese American Society
Canh Tân Thời Báo
BÌNH LUẬN - THỜI SỰ 
Ngày 24/04/2009
 ÔNG NGUYỄN THIỆN NHÂN,
XIN ĐỪNG DAY DỨT ...
 
KÍNH GỦI CÁC BẠN BÀI VIẾT CỦA SINH VIÊN TRONG NƯỚC VỀ CÁI GỌI LÀ CHỈ THỊ CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ GIÁO DỤC. NÓ CHO THÂY QUAN TÂM GIÁO DỤC CHỈ LÀ CÁI BÁNH VẼ MUÔN ĐỜI CHO DÂN CHÚNG NẾU CỘNG SẢN CÒN TỒN TẠI.
* * *
Ông Nguyễn Thiện Nhân, xin đừng day dứt! 

Thưa ông Nguyễn Thiện nhân,

Tôi đang nói với ông trong bốn tư cách. Một là tư cách của người từng dự phần trong hệ thống giáo dục Việt Nam và vẫn đang tiếp tục cố gắng đào tạo từng lớp học trò. Hai là trong vai trò của một ký giả Văn hóa Văn nghệ. Ba là tư cách của một người có con em đang phải gánh chịu những hậu quả tôi cho là tàn khốc của hệ thống giáo dục Việt Nam do ông lãnh đạo. Và cuối cùng là với tư cách người đóng thuế cho ngân sách tức người đã và đang trả lương cho ông và toàn bộ hệ thống ban bệ của ông.

Thực ra, tôi chủ quan cho rằng chỉ cần với duy nhất tư cách thứ tư - một người đóng thuế - tôi đã có thể thẳng thắn nói chuyện ngang hàng với ông, chất vấn ông, thậm chí đề nghị ông từ chức như nhạc sĩ Tuấn Khanh từng làm. Song từ một thẳm sâu muôn trùng nào đó giữa cõi ý thức và tiềm thức, tôi mơ hồ cảm thấy rằng dẫu có nhiều tư cách hơn thì những gì tôi nói nơi đây cũng không dễ dàng đến được tai ông, dẫu có đến cũng chắc gì ông đã nghe lọt. Song, nếu có một phép lạ nào đó khiến ông nghe được và nghe lọt những lời này, tôi chỉ xin ông hãy thôi day dứt.

Ông Nguyễn Thiện Nhân (đứng) trong Hội nghị giao ban ngành giáo dục và đào tạo các thành phố: Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội - Ảnh: Tiến Dũng (VNExpress)

Thưa ông, nếu lúc này ông đang thắc mắc rằng chuyện gì đã khiến ông day dứt và ông day dứt bao giờ thì tôi xin được trích dẫn lại nguyên văn một đoạn trong bài báo có tựa đề "Phó thủ tướng: Tôi vẫn nợ thầy cô một câu hỏi" của tác giả Tiến Dũng, đăng tải trên báo điện tử VNExpress lúc 20:59, ngày 24/3/2009. Bài báo viết (rất to trong phần chapeau) ""Ba năm liên tục, thầy cô giáo chăm lo bồi dưỡng học sinh và đến bây giờ với tư cách Bộ trưởng, tôi vẫn nợ câu hỏi 'Giáo viên bỏ công sức bồi dưỡng học sinh yếu kém có phụ cấp hay không?' Xót xa lắm nhưng cơ chế không có", Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân day dứt". Sự thực thì, trên góc độ báo chí và ngữ văn, đoạn trích trên hơi mơ hồ bởi chúng tôi sẽ không thể xác tín được là thật ra ông có day dứt hay không hay đó chỉ là sự tưởng tượng của tác giả Tiến Dũng. Nếu ông không day dứt, tôi nghĩ mình không còn gì để nói thêm. Còn nếu phép lạ lại xuất hiện để xác nhận rằng ông có day dứt thì thưa ông tôi không làm cách nào hiểu được vì sao ông lại phải day dứt như thế?

Chỉ một câu hỏi "Làm thêm việc có được trả thêm tiền?" (Một lẽ tự nhiên và công bằng trong xã hội) của thầy cô giáo mà mãi đến 3 năm ông vẫn không trả lời thì tôi thiết tưởng những câu hỏi khác, của những người khác dễ chừng phải mất cả chục năm mới mong được ông giải đáp, mà có khi cũng chẳng bao giờ được giải đáp cũng nên.

"Xót xa lắm". Ai xót xa, thưa ông? Các thầy cô giáo xót xa hay ông xót xa? Tôi nghĩ ông nên là người xót xa bởi sự xót xa của thầy cô giáo là điều quá rõ ràng, không phải bàn cãi. Phải làm việc và làm việc miệt mài với lương tâm và trách nhiệm để rồi được đền đáp bằng con số không thì ai mà chẳng xót xa. Điều tôi băn khoăn là khi ông xót xa thì ông đã làm gì để giúp các thầy cô giáo bớt xót xa hay chỉ thõng một câu "nhưng cơ chế không có" là xong? Thưa ông, nếu ông đã quên (vì quá bận rộn hay vì gì khác) thì xin được nhắc nhớ rằng ông chính là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng giáo dục. Còn ai, ngoài ông, ở cái xứ sở này có đủ tư cách đệ trình ra quốc hội yêu cầu một cơ chế tài chính để trả lại sự công bằng cho các thầy cô giáo? Và thưa ông, đó không chỉ là chuyện chính danh xem ai là người có đủ tư cách đệ trình dự luật, dự thảo nghị định mà đó là chuyện của lương tri và trách nhiệm.

Thuở còn ở trung học, tôi học với một cô giáo nghèo (Nghề giáo bao giờ mà chẳng nghèo, ông nhỉ, nhất là ở xứ này). Để có tiền trang trải cuộc sống cô tôi phải làm thêm nghề đan len và nuôi mấy con heo. Một ngày tất bật với công việc mưu sinh, cô vẫn chong đèn hàng đêm để soạn giáo án, để truyền lại cho chúng tôi tri thức làm người. Thuở ấy tôi vẫn thường sang nhà cô giúp tắm heo, cho bọn chúng ăn và học đan len. Có lần, cảm thấy quá bất nhẫn trước hình ảnh một cô giáo phải xắn quần tắm heo, tôi hỏi cô: "Sao cô không kiếm việc gì khác mà làm cho đỡ cực?". Cô cười nhân hậu: "Cô đi làm việc khác rồi ai dạy tụi con?". Từ những bài học không có trong sách vở, từ những câu chuyện giữa cô trò quanh mấy cuộn len xanh đỏ, cô, bằng chính bản thân mình, đã truyền cho tôi một nhân cách để mãi sau này khi đi dạy học tôi vẫn tự giao cho mình trách nhiệm đi kèm từng em học sinh để hiểu các em, để chia sẻ với các em, và thậm chí để bênh vực, che chở mỗi lúc các em cần. Khi làm những điều đó, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng mình đang trả nghĩa trả tình cho các vị ân sư đã dày công dạy dỗ tôi thôi. Nhưng có lẽ họ cần nhiều hơn là chỉ những tình nghĩa đó...

Không, thưa ông! Một lần nữa, xin cho tôi được nhắc lại rằng xin ông đừng day dứt và cũng đừng xót xa. Tôi chỉ yêu cầu ông làm đúng và đủ chức trách của một ông Bộ trưởng giáo dục là các thầy cô giáo chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Nhược bằng ông không làm được thế thì... tôi lại một lần nữa lăp lại, xin ông đừng day dứt, đừng xót xa mà hãy từ chức để những người đóng thuế chúng tôi có thể tuyển một nhân viên tốt hơn làm công việc Bộ trưởng.

Đã mấy năm rồi ông nhỉ kể từ khi ông lên nắm quyền lãnh đạo ngành giáo dục? Và trong mấy năm đó đã xảy ra những chuyện gì? Thực sự tôi không tìm thấy nơi ông khả năng và trách nhiệm của một nhà lãnh đạo. Sách giáo khoa vẫn lộn tùng phèo. Bạo lực học đường chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Những "sáng kiến" như tách, ghép các kỳ thi khiến mọi chuyện đã rối càng thêm loạn. Mới đây nghe đâu còn có sáng kiến "giảm tải" cho học sinh bằng cách bắt học sinh đi học cả sáng lẫn chiều. Khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng về bộ tiêu chuẩn đánh giá sự phát triển của trẻ mà các chuyên gia ngành giáo dục, y tế, xã hội đều khẳng định là đầy bất cập thì nay ông lại đòi đẻ thêm hệ thống đánh giá đạo đức học sinh. Nhiều lần, cám cảnh đứa cháu chỉ mới 6 tuổi đầu của mình phải "học, học nữa, học mãi", tôi đã viết đơn xin cho cháu nghỉ học thêm để dắt cháu đi chơi vườn thú xem con khỉ con thỏ, dắt cháu ra hồ bơi để được vận động. Thưa ông, ông có con hay cháu nào đang học ở một trường học bình thường của Việt Nam không? Tôi đoán là không hoặc nếu có thì hẳn em, cháu ấy cũng được dạy, học theo một cách nào đó khác. Tôi chỉ đoán thôi. Có thể tôi sai.

Nhiều năm theo dõi những chuyển động của làng văn nghệ, cụ thể trong lĩnh vực ca nhạc, tôi nhận ra một điều đáng buồn rằng các ca sĩ trẻ của chúng ta hôm nay không hề có cá tính, không có cái riêng của bản thân bởi tự bao giờ chẳng rõ các em đã được huấn luyện để diệt mất cái riêng của mình. Ông đi xem ca nhạc, đọc báo có bao giờ chợt chú ý đến những câu nói như nhau, những kiểu trả lời khuôn mẫu, những bộ trang phục na ná, cách hát từa tựa không? Với tư cách là Bộ trưởng ngành giáo dục, hẳn ông phải biết rằng đó chính là hậu quả trực tiếp của lối giáo dục "đồng phục hóa" học sinh khi các em phải nói lại chính xác những cái được nhét vào đầu, phải cố gắng giống người khác và những em điểm cao nhất là những em nói giống với thầy cô mình nhất.

Thưa ông, nếu có thời gian có lẽ tôi sẽ hầu chuyện ông lâu hơn. Song tôi tin rằng với công việc của một ông Phó thủ tướng, lại kiêm luôn cả cái ghế Bộ trưởng, ông ắt luôn bận rộn (Tôi lại đoán thôi. Có thể tôi lại sai!). Ở chiều ngược lại, tôi cũng không có nhiều thời gian dành cho ông bởi tôi còn phải lo dạy học trò, phải dắt cháu đi chơi với hy vọng cháu sẽ không phát chứng "điên chữ" như tôi từng thấy nhiều người bạn tôi phát rồ phát dại lên vì học và học cho kịp chương trình.

Cuối cùng, xin cho tôi lập lại lần nữa điều tôi đã nhấn mạnh nhiều lần. Xin ông đừng day dứt, đừng xót xa gì cả. Thời gian dành cho day dứt và xót xa ấy, nếu được, ông hãy dành cho việc thực hiện công việc của một Bộ trưởng giáo dục. Thưa ông, ông đang nhận lương từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi đấy!

LÊ HOÀNG

Trang Bìa